Công ty Luật Mạnh Thăng - Tư vấn luật - Dịch vụ luật sư

    Công ty Luật Mạnh Thăng - Tư vấn luật - Dịch vụ luật sư

    Công ty Luật Mạnh Thăng - Tư vấn luật - Dịch vụ luật sư

    Có thể tặng cho tài sản với điều kiện không được chuyển nhượng không?

    Đăng lúc: 25/05/2017 03:40:09 PM

     

    Tóm tắt câu hỏi:

    Tôi có một mảnh đất do cha mẹ chết để lại thừa kế cho riêng tôi. Trong gia đình tôi còn có 4 người em, xin hỏi luật sư tôi có thể cho những người em mình cùng sở hữu chung mảnh đất ấy không? Một người tư vấn cho tôi rằng có thể ra phòng Công chứng để làm hợp đồng tặng cho, giả sử như tôi tặng cho em tôi một phần đất và kèm theo điều kiện là “đất chỉ dùng để ở, không được đem bán cho người khác” thì có được không? Kính mong luật sư tư vấn giải quyết thắc mắc giúp tôi.

    Luật sư tư vấn:

    Cám ơn bạn đã tin tưởng và gửi yêu cầu tư vấn của mình tới Công ty Luật Mạnh Thăng. Với thắc mắc của bạn, Công ty Luật Mạnh Thăng tư vấn như sau:

    Theo quy định tại Điều 208 BLDS 2015 thì “quyền sở hữu chung được xác lập theo thỏa thuận, theo quy định của pháp luật hoặc theo tập quán”. Như vậy đối với trường hợp của bạn nếu bạn muốn cho những người em của mình cùng có quyền sử dụng đối với mảnh đất cho cha mẹ bạn để lại mà hiện đang làm tài sản riêng của bạn thì bạn có thể làm văn bản thỏa thuận tài sản chung đối với ngôi nhà đó, công chứng văn bản này và tiến hành thủ tục đăng ký tại cơ quan TN&MT.

    Ngoài ra, bạn có thể làm hợp đồng tặng cho một phần thửa đất ấy cho những người em của mình (lưu ý khi làm hợp đồng tặng cho một phần thửa đất, thì phần diện tích đất được tặng cho phải đảm bảo về diện tích tối thiểu để tách thửa căn cứ theo Quyết định của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có đất). Đối với cách làm này bạn sẽ chuyển dịch một phần quyền sử dụng đất của bạn cho những người em của bạn.

    Bạn có hỏi rằng nếu bạn tặng cho một phần đất kèm theo điều kiện là đất chỉ dùng để ở, không được chuyển nhượng cho người khác có được không? Bộ luật dân sự 2015 tại Điều 462 có quy định về hợp đồng tặng cho có điều kiện theo đó:

    Bên tặng cho có thể yêu cầu bên được tặng cho thực hiện một hoặc nhiều nghĩa vụ trước hoặc sau khi tặng cho. Điều kiện tặng cho không được vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.

    Trường hợp phải thực hiện nghĩa vụ sau khi tặng cho mà bên dược tặng cho không thực hiện thì bên tặng cho có quyền đòi lại tài sản và yêu cầu bồi thường thiệt hại”.

    Với quy định trên khi làm hợp đồng tặng cho bạn có thể làm hợp đồng tặng cho có điều kiện, và trong trường hợp của bạn thì điều kiện ở đây là “không được mua bán, chuyển dịch tài sản cho người khác”. Việc mua bán, chuyển dịch tài sản đó là quyền định đoạt tài sản – một phần của quyền sở hữu tài sản được quy định trong BLDS 2015. Theo quy định tại  Khoản 1, Điều 163 BLDS 2015: “ Không ai có thể bị hạn chế, bị tước đoạt trái luật quyền sở hữu, quyền khác đối với tài sản”, cũng như tại Khoản 1, Điều 196 BLDS 2015 thì “quyền định đoạt chỉ bị hạn chế trong trường hợp do luật quy định”. Khi bạn đưa ra điều kiện không được mua bán chuyển dịch tài sản cho người khác tức là bạn đang hạn chế quyền sở hữu của chủ sở hữu tài sản cụ thể là quyền định đoạt, vì vậy chiếu theo nội dung của những điều luật vừa nêu, điều kiện bạn đưa ra trong hợp đồng tặng cho có điều kiện là không được pháp luật thừa nhận và bảo vệ. Những người em của bạn vẫn có thể thực hiện việc mua bán chuyển dịch quyền sử dụng đất của mình.

    Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Công ty Luật Mạnh Thăng. Nội dung tư vấn dựa trên những thông tin mà bạn cung cấp và chỉ được coi là tài liệu tham khảo.