Bảng kê tổng hợp các hộ sử dụng đất trong quy hoạch du lịch xã Tân Thiện do Đoàn 951 lập thể hiện ông Nam diện tích 784m2, ông Lập 324m2, ông Duệ 329m2.
Ông Nam nói: “Do đất thuộc quy hoạch du lịch nên tôi không dám làm nhà, không trồng cây lâu năm”.
![]() ![]() |
Hợp đồng năm 2002 được UBND xã xác nhận, chuyển hồ sơ đến UBND thị xã để tách thửa; là kế thừa của giấy mua bán và đơn xin sang nhượng do chính ông Lập viết năm 1998. |
Bất ngờ xảy ra khi thửa đất thoát “quy hoạch treo”
Ngày 25/3/2016, ông Nam lập hợp đồng với ông Nguyễn Tấn Cường để đổ đất, san lấp mặt bằng khu đất trên. Sau khi ông Nam san lấp xong, ngày 7/4/2016, bà Huệ mượn của ông Nam 30 triệu đồng. Theo giấy mượn tiền được UBND xã chứng thực, bà Huệ viết: “Nguyên trước đây, ngày 23/2/2002, gia đình chúng tôi có bán cho ông Nam và bà Nguyễn Thị Bảy cùng cư ngụ tại địa phương một thửa đất gia cư 14m mặt tiền đường, chiều sâu đến hết đất, có tổng diện tích 784m2… nhưng chưa tách thửa được do đất trên nằm trong quy hoạch du lịch”.
“Nay cấp thẩm quyền cho phép chuyển nhượng nên ông Nam có nhu cầu mượn sổ đỏ để tách thửa đất nói trên. Vì lý do gia đình khó khăn tôi đã cầm sổ đỏ để mượn tiền. Nay tôi mượn ông Nam 30 triệu để lấy sổ đỏ đưa ông Nam tách thửa”.
“Hoàn cảnh bà Huệ khó khăn, đến nhà tôi hỏi vay tiền vì nói đã cầm sổ đỏ. Tôi đồng ý cho vay 30 triệu vì thời điểm này Nhà nước đã cho tách thửa, bỏ quy hoạch. Chính bà Huệ cùng lên xã ký giấy tờ vay mượn với tôi. Nhưng tiền mượn xong, bà Huệ không thực hiện cam kết”, ông Nam nói.
Rồi bất ngờ, ngày 19/4/2016, lúc này chồng đã qua đời, bà Huệ ủy quyền cho ông Nguyễn Thanh Bình làm đơn gửi UBND xã và thị xã “yêu cầu ông Nam di dời đất đá đã đổ và không được cản trở bà Huệ sử dụng đất”.
Giữa năm 2016, ông Nam khởi kiện đến TAND TX yêu cầu bà Huệ thực hiện đúng nghĩa vụ giao sổ đỏ để ông làm thủ tục tách thửa; đồng thời trả tiền gốc, lãi số tiền 30 triệu đã vay.
Bà Huệ làm đơn phản tố, đòi tòa tuyên hợp đồng mua bán đất vô hiệu. Bà Huệ cho rằng gia đình bà chưa từng bán đất, chưa từng nhận tiền, chưa từng bàn giao đất cho ông Nam. Bà Huệ còn cho rằng, năm 2002 khi vợ chồng bà ký hợp đồng bán đất, lẽ ra cần phải có ý kiến của các con (lớn nhất 14 tuổi, nhỏ nhất 5 tuổi) vì đất cấp cho hộ mình, chứ không phải cấp cho vợ chồng mình. Bà Huệ nói giấy mượn tiền 30 triệu đồng, nội dung trên giấy là bà “bị gài”. Mặc dù nói “bị gài” nhưng bà Huệ đồng ý trả tiền gốc, lãi với số tiền mượn này.
Hai lần TAND tuyên ông Nam thắng kiện, công nhận hợp đồng mua bán, buộc bà Huệ phải giao sổ đỏ để ông Nam làm thủ tục tách thửa; trả tiền gốc, lãi số tiền vay 30 triệu đồng. Thế nhưng, khi án bị hủy, cấp sơ thẩm TAND TX La Gi lại tuyên “hợp đồng mua bán vô hiệu”, hai bên mỗi người được chia đôi giá trị thửa đất.
Một LS thuộc Đoàn LS TP HCM cho biết, với các chứng cứ các bên đưa ra trong vụ kiện này, có thể thấy đây là giao dịch có bản chất rõ ràng là mua bán và giao dịch đã hoàn tất. “Trong hàng chục năm, các cơ quan chức năng đã nhiều lần có các biên bản xác nhận đất trên thuộc quyền sử dụng của ông Nam. Nhưng do khu đất từng bị quy hoạch treo, các bên chưa cập nhật tên mới trong sổ đỏ, nên rắc rối mới xảy ra. Đề nghị của phía bị đơn cho rằng muốn bán đất phải xin ý kiến cả đứa con mới 5 tuổi cũng là không phù hợp quy định pháp luật… Những vấn đề này, rất mong HĐXX lưu ý trong phiên phúc thẩm sắp tới”.